Chỉ cách đây một năm, mọi ánh mắt đều đổ dồn vào những chiến tích vô cùng ấn tượng của Ánh Viên và đội tuyển bơi lội Việt Nam trong kỳ Seagame 28 tổ chức tại Singapore. Những tấm huy chương, những kỷ lục liên tiếp bị phá vỡ khiến bao con tim người Việt thổn thức vì tự hào. Tuy vậy, thành tích đó có thực sự trọn vẹn khi nhìn vào thực tế mỗi năm chúng ta có 3500 – 4000 trẻ thiệt mạng vì đuối nước, Việt Nam hiện đang có tỷ lệ tử vong do chết đuối cao nhất khu vực và cao gấp 10 lần các nước phát triển?
Trao đổi với chúng tôi bên lề hội thảo trang bị kỹ năng sống cho học sinh THCS, anh Nguyễn Công Bình – Chuyên gia đào tạo của VietFuture đã có những chia sẻ rất đáng suy ngẫm
Những con số “ ám ảnh”
Chỉ trong vòng ba ngày ngắn ngủi, khi cộng đồng chưa kịp hết bàng hoàng trước việc 3 nữ sinh viên Đại học Ngoại thương trong lúc đi tình nguyện tại Quảng Ninh đã mất mạng do đuối nước thì ngay sau đó, ngày 5/7/2016 tại Hiệp Hòa, Bắc Giang, tiếp tục xảy ra vụ việc 5 em học sinh chết đuối do cứu nhau. Nỗi đau thật sự quá lớn đối với gia đình các nạn nhân, còn đối với cộng đồng và xã hội, người ta sẽ còn “ giật mình và sợ hãi” hơn nữa khi tìm hiểu và lục tung các con số.
– Mỗi ngày, tại Việt Nam có hơn 10 đứa trẻ mất đi sinh mạng vì lý do chết đuối.
– Theo tổ chức y tế thế giới (WHO) Việt Nam là quốc gia có số trẻ em chết đuối đứng cao thứ 2 trên thế giới ( Chỉ sau Bangladesh).
– Mặc dù có hệ thống bờ biển, sông ngòi và ao hồ dày đặc trải dài trên toàn lãnh thổ nhưng tỷ lệ trẻ em biết bơi ở Việt Nam là rất thấp ( khoảng 10%).
Thực trạng đáng báo động về số trẻ em chết đuối tại Việt Nam hàng năm.
Theo anh Nguyễn Công Bình, những con số này quả thực vô cùng “ ám ảnh”, bởi nó mang đến cho chúng ta những thống kê quá “ lạnh lùng” và “ đau xót”.
Những thảm kịch nối tiếp chưa thấy điểm kết
Năm nào cũng vậy, cứ vào những ngày tháng tư đầu hè, năm nào cũng vậy, người ta lại gióng lên những hồi chuông báo động về hàng trăm vụ trẻ em tử vong do sông nước gây ra. Rồi thì dư luận bức xúc, những người làm chuyên môn lên tiếng đòi hỏi cải tiến, thay đổi tư duy giáo dục. Nhưng rốt cục, không những không thấy tình hình được cải thiện mà những con số thống kê càng ngày càng to hơn.
Có lẽ sẽ chẳng có hình ảnh nào đau thương hơn, tang tóc hơn những vòng hoa trắng kéo dài suốt con đường tại Hiệp Hòa trong những ngày tới đây. Các em đang tuổi ăn, tuổi học, đang còn cả một tương lai dài đang chờ đợi phía trước, tất cả đã khép lại theo một cái cách “ lãng nhách” và “ bi thương”.
Liệu đây có thể sẽ là một bi kịch của quốc gia?
Người ta bàng hoàng, giật mình và bức xúc, người ta lập tức đi tìm câu trả lời cho cái gọi là: “ Vì sao?” và tất nhiên rồi, ngay sau đó, người ta lôi ra được một loạt những đáp án. Có thể dễ dàng liệt kê ra đây: lỗi do chủ quan của các bậc phụ huynh, lỗi khách quan do đặc thù địa hình sông nước, kênh ngòi nước ta quá dày đặc, ý thức tự bảo vệ mình của đại đa số dân chúng còn thấp, phương tiện, kỹ thuật và kiến thức cứu hộ chưa được cung cấp đầy đủ. Thậm chí, “ cực đoan” hơn còn có người đổ lỗi do sự non nớt, dại dột và thiếu suy nghĩ từ chính những nạn nhân. Trao đổi đến đây, anh Nguyễn Công Bình cho biết: “Nếu chúng ta không dừng lại những suy nghĩ “ đổ lỗi” và “ ấu trĩ” như vậy, chính chúng ta chứ không phải ai khác đang gián tiếp kéo dài những thảm kịch và dần mang lại một bi kịch cho cả quốc gia”.
Đã bao nhiêu thời gian trôi qua, chúng ta dạy dỗ và bằng mọi cách cố gắng đưa con em đến với tấm bằng, chiếc áo cử nhân, nhồi nhét con em với hàng tá lí thuyết và khoa học những các con lại bất lực trước những hiểm nguy rất nhỏ từ môi trường thực tế. Khả năng sinh tồn và những kiến thức tự nhiên cơ bản nhất của các con đang bị hạn chế nghiêm trọng.
Người Việt chúng ta đang mắc một căn bệnh kỳ lạ, vừa “ tự tin” nhưng cũng vừa “ tự ti” thái quá. Chúng ta luôn luôn tự tin với việc con người Việt Nam thông minh, cần cù và có ý chí vươn lên mạnh mẽ. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng sẵn sàng tự ti chấp nhận một thực tế: giáo dục kỹ năng sống cho trẻ nhỏ tại Việt Nam đang chậm tiến so với thế giới quá xa. Chúng ta luôn mặc định một điều, giáo dục và hướng dẫn kỹ năng sinh tồn, kỹ năng mềm cho các em chỉ là thứ yếu so với công tác đào tạo văn hóa tại trường lớp.
Đã đến lúc phải hành động
Hãy thôi nghiên cứu và thử nghiệm, thực sự đã đến lúc chúng ta phải hành động một cách tổng lực và toàn diện. Không thể chỉ khi thấy những thảm kịch thì chúng ta mới bắt đầu rục rịch tranh luận, bàn cãi về sự thay đổi, tất cả lúc đó chỉ là sự “ mất bò mới lo làm chuồng”. Con cái của chúng ta vẫn đang hàng ngày hàng giờ có thể sẽ phải đối mặt với những bài toán sinh tồn dù là nhỏ nhất. Ngoài đuối nước, an toàn giao thông , đối diện với hỏa hoạn, kiến thức về an toàn thực phẩm và sức khỏe sinh sản cũng là những kỹ năng sống vô cùng cần thiết phải cung cấp cho con em của chúng ta.
Mọi hành động sẽ được dẫn đến từ sự thay đổi tư duy, hãy dừng “ đổ lỗi”, mỗi chúng ta dù ở bất cứ cương vị nào cũng đều có thể góp sức cho sự thay đổi này. Những bậc phụ huynh hãy quan tâm và đặt cao việc trang bị kỹ năng sống cho con lên một mức độ khác, tư duy giáo dục của cả một hệ thống chúng ta cũng cần được bồi đắp, hoàn thiện hơn. Hay nói một cách khác, chúng ta phải hành động để tránh những “ thảm kịch” và giúp quốc gia xa dần “ bi kịch” đã được báo trước này.
Theo Báo mới
(http://www.baomoi.com/moi-ngay-o-viet-nam-co-10-dua-tre-thiet-mang-vi-duoi-nuoc/c/19795152.epi)