Mỗi cơn nóng giận của trẻ như la khóc, mè nheo, ăn vạ… đều là hậu quả của những nhu cầu không được đáp ứng, hoặc là cách biểu lộ trẻ đang thiếu thoải mái. Do đó, thay vì cho trẻ “ăn đòn” ngay lập tức hay phạt trẻ, kỹ năng dạy con ngoan tốt nhất dành cho cha mẹ đó là ngăn chặn tâm lý tiêu cực đang leo thang ở con – đơn giản là hãy giúp con bình tĩnh trước. Các biện pháp dưới đây có thể hữu ích cho bạn:
Tránh quát tháo trẻ khi trẻ giận dữ
Trẻ em trong độ tuổi 1-3 thường dễ bị kích động và cơn nóng giận thường dễ qua mau. Bạn đừng để cơn cáu giận của bé ảnh hưởng đến bạn. Dù bé đang làm ầm ĩ thì bạn cũng nên ngồi lại để vỗ về bé bình tĩnh trở lại.
Những lúc đó bé cần có bạn ở bên cạnh để cho cơn nóng giận qua. Bạn đừng đi ra khỏi phòng lúc đó bởi trẻ sẽ cảm thấy mình bị bỏ rơi và càng thất vọng hơn. Sau khi bé bình tĩnh trở lại, bạn sẽ thấy bé nghe lời bạn hơn nếu bạn cùng con vượt qua khoảng thời gian tồi tệ ấy.
Hãy dạy con cách kiểm soát cơn giận dữ
Giận dữ là phản ứng khi mọi việc không diễn ra theo đúng mong muốn của bé. Việc cơn giận dữ của bé kéo dài bao lâu không quan trọng, quan trọng nhất là cách bạn dạy cho trẻ kiểm soát chúng. Đừng để việc người ngoài nghĩ gì ảnh hưởng đến việc bạn dạy con.
Nhiều khi bé giận dữ mất kiểm soát là thời điểm bé đang rất sợ hãi. Điều bạn nên làm là đứng đó để giúp con bộc lộ sự khó chịu này trong một giới hạn nhất định. Nếu cơn giận dữ của bé bùng phát thành những hành động quá khích như đập phá đồ đạc hay xé đồ chơi, bạn nên đưa con tới một nơi an toàn và chỉ có mình bé với bạn (ví dụ phòng ngủ của bạn). Hãy ở bên cạnh bé cho tới khi bé không còn nổi điên lên nữa. Việc để bé thể hiện hành vi không tốt này nơi có nhiều người khiến bé khó sửa chữa khuyết điểm của mình.
Nói chuyện với con khi cơn giận dữ trôi qua
Điều bạn làm sau khi cơn giận dữ qua đi sẽ giúp bé biết cách xử lý cho những phản ứng về sau. Bạn nên nói chuyện với con về những gì đã xảy ra để gần gũi và hiểu con hơn khi bé đã bình tĩnh trở lại. Bạn nên nói cho bé biết bạn đã buồn và thất vọng thế nào khi bé nổi khùng lên như thế và giúp bé bày tỏ sự không hài lòng của mình thay vì la hét. Nếu có thể bạn hãy cười với con và nói rằng “Bố/mẹ xin lỗi vì đã không hiểu con”. Mọi lời xin lỗi chân thành đều đem lại sự đồng cảm.
Tìm cách ngăn chặn cơn giận dữ
Ngăn chặn cơn giận dữ của bé khi nó chưa bùng phát giúp bé tránh lặp lại khi tình huống đó xảy ra. Ngoài ra nó cũng giúp bé không hình thành thói quen, tính cách xấu. Bạn nên quan sát kỹ biểu hiện của những cơn giận dữ sắp xảy ra với bé để có cảnh báo nhẹ nhàng cho con. Hãy di chuyển khỏi vị trí đang ngồi (từ sân chơi vào nhà hay từ phòng khách ra bàn ăn) để bé có thời gian để điều chỉnh lại cảm xúc. Trẻ con cũng rất thích được tôn trọng và muốn thấy mình độc lập.
Tránh những tình huống căng thẳng với trẻ
Thần kinh của bé khó kiểm soát những tình huống căng thẳng gây kích động. Bạn nên hạn chế và tránh cho bé khỏi đối mặt với những tình huống nhạy cảm khiến bé rơi vào trạng thái giận dữ vô cơ. Nếu bé thường xuyên có những màn ăn vạ kinh khủng, la hét tùm lum khi chọn quần áo mặc hay đồ chơi bạn nên đưa con tới các bác sĩ để biết rõ nguyên nhân của những trận bùng phát và thể trạng thể chất, tâm lý của bé.