Những điều cha mẹ càng cấm – con càng làm !

Đôi lúc cha mẹ cũng phải đau đầu vì những điều cho dù mình có cấm đoán thì trẻ vẫn cứ làm, vậy cách dạy con nghe lời trong những trường hợp đó mà cha mẹ phải làm là gì ?

nuoi-day-con

Không nghịch ngợm

Trẻ bày trò nghịch ngợm chính là cách chúng khám phá thế giới, tăng khả năng nhận thức và phát triển sự sáng tạo. Nhưng vì sợ con nghịch bẩn, con phá hỏng đồ chơi… mà cha mẹ đưa ra lời cấm đoán. Điều này làm trẻ rất ức chế và hạn chế khả năng sáng tạo của bé, dần dần dẫn tới ù lì, chậm chạp.

Thay vì cấm con không được phép chơi, cha mẹ nên cùng chơi với con và dạy cho con cách bảo vệ mình trước những trò chơi nguy hiểm.

Không được ăn

Tâm lý của trẻ khi bị cấm ăn, đó là chúng luôn có suy nghĩ: “Mình sẽ chén món này khi mẹ quay đi”. Với trẻ béo phì, việc cha mẹ càng cấm trẻ ăn sẽ càng khiến trẻ trở nên thèm ăn hơn và khả năng béo phì càng tăng cao.

Trẻ cũng có quyền được nếm đủ món đủ vị, để tự biết cảm giác thế nào là cay, là đắng, là ngọt, là chua; nếu ăn nóng quá hay lạnh quá thì có sao không, con có thích không? Thay vì cấm đoán, cha mẹ hãy chuẩn bị cho con những món ăn có lợi cho sức khỏe của bé. Thi thoảng, cũng nên chiều chuộng sở thích của con như một phần thưởng.

Không ăn/uống đồ lạnh

Nước lạnh là một trong những thứ trẻ bị cấm đoán nhiều nhất, lý do là nước lạnh không tốt cho sức khỏe của trẻ, nhất là đối với những trẻ hay bị viêm họng, ho… Tuy nhiên, bạn thấy đấy, nước ngọt hay kem là món trẻ thường thèm thuồng.

Không thể cấm trẻ được đâu, thay vào đó bạn hãy hạn chế thói quen uống nước lạnh trong gia đình, hoặc để nước lạnh xa tầm tay trẻ. Còn món kem, thi thoảng ăn thì cũng… không sao.

Không chơi game

Game là món bất cứ đứa trẻ nào cũng ghiền. Người lớn còn ghiền huống chi lũ trẻ! Tác hại của game đối với tuổi thanh thiếu niên khiến các bậc phụ huynh càng có chiều hướng ngăn cấm trẻ chơi game. Nỗi lo của bạn không sai, nhưng hãy “cấm đoán” một cách “văn minh” nhé. Tuyệt chiêu là: cho con chơi game giải trí vào một khung giờ cố định trong ngày và tốt nhất hãy coi đó là phần thưởng mà con bạn xứng đáng được hưởng.

Không đòi hỏi

Cha mẹ thường coi những sở thích của con là đòi hỏi, ví dụ: khi nhìn thấy món đồ chơi đẹp, con muốn mua; khi bạn bên cạnh có đôi giày MacQueen tia chớp đỏ ưa thích, con cũng muốn có. Thực ra, khi trẻ ở độ tuổi lên 3 lên 5, chúng chỉ biết bày tỏ ý muốn có được món đồ chúng thích. Chính phụ huynh cần phải dạy trẻ cách phân biệt giữa ý thích và sự sở hữu. Hãy nói với con: con thích thứ đó à, ba/mẹ cũng thích, nó thật đẹp nhưng mình sẽ mua vào lúc khác… thay vì nạt nộ một câu: con đừng đòi hỏi nữa!