Những áp lực vô hình của trẻ

Đôi lúc có những điều tưởng chừng như đơn giản mà cha mẹ nghĩ rằng tốt cho trẻ nhưng thực tế thì lại vô tình gây lên áp lực và khiến trẻ cảm thấy lo lắng và sợ hãi

Khen con quá nhiều

Khen ngợi là cách giúp con có thêm động lực, nhưng khen quá nhiều lại sẽ gây áp lực cho con, nhất là khi ba mẹ thường hay “nâng con lên trời” trước mặt người khác. Điều này có thể tạo cho con tâm lý tự “gò” mình vào khuôn khổ những lời ba mẹ nói. Việc lúc nào cũng được xem là hoàn hảo trong mắt ba mẹ sẽ làm con không dám bứt phá, không dám phạm sai lầm. Để rồi nếu có thất bại xảy ra, nỗi lo sợ khi phải để ba mẹ biết của con càng thêm nặng nề hoặc tệ hơn là con sẽ khó khăn hơn khi đứng lên làm lại.

Cấm đoán con đủ thứ

Có nhiều ba mẹ do quá thương con, lo cho con mà không biết rằng tình thương ấy lại tạo cho con cảm giác không thoải mái, tạo áp lực cho con. Không muốn con đi ra ngoài vì sợ xe cộ, không muốn con giao lưu cùng bạn bè vì sợ đó là những người bạn xấu, không dám để con nghịch nước đi đầu trần vì lo con bị bệnh hay ngăn cấm dữ dội con có tình cảm với người khác. Ở một mức độ nào đó, con trẻ cần được trải nghiệm, thậm chí là… hơi phiêu lưu để có thể tận hưởng cuộc sống tốt hơn. Việc lo lắng cho con là đúng, nhưng lo lắng quá mức “quan trọng hóa, nguy hiểm hóa” mọi vấn đề lại là cách dạy con không thật sự hiệu quả. Con trẻ trong vòng bao bọc quá chặt của ba mẹ một sẽ trở nên yếu đuối hai là từ cảm giác tù túng dễ dẫn đến xung đột với ba mẹ.

Ba mẹ thường xuyên cãi nhau

Thay vì suy nghĩ về thái độ sống tích cực thì con sẽ là một đứa trẻ tiêu cực khi thường xuyên nghe thấy cha mẹ cãi nhau. Người lớn đừng bao giờ nghĩ rằng tranh cãi vợ chồng chỉ là chuyện của hai người mà người thật sự chịu tác động lớn nhất chính là con nhỏ. Sự nóng giận, cãi vã, xúc phạm nhau hay bạo lực không phải là những gì trẻ em phải chứng kiến. Khi sống trong một gia đình không đầm ấm, trẻ dễ mang mặc cảm với bạn bè cũng như thấy mệt mỏi khi trở về nhà. Chưa kể đến nhân cách và lối sống của con cũng chịu ảnh hưởng không tốt khi lớn lên, con sẽ ít biết yêu thương hơn, ít tin tưởng vào hôn nhân cũng như không coi trọng hạnh phúc gia đình.

suy-nghi-ve-thai-do-song-tich-cuc

Đưa ra sẵn một tương lai cho con

Tương lai là điều không thể biết trước và cũng không thể tự ai quyết định cho ai được. Việc ba mẹ vẽ ra cho con một ngày mai với những kỳ vọng nhưng lại có tính chất thỏa mãn cho ba mẹ là chính sẽ tạo áp lực cho con rất nhiều. Đôi khi đó lại là những điều không hề mang lại niềm vui và hạnh phúc con muốn. Đừng làm thế nếu muốn con suy nghĩ về thái độ sống tích cực. 

Ép con học đủ thứ

Học ngày học đêm, học không có ngày nghỉ là con đường tạo áp lực cho con nhanh nhất. Khi những gì ba mẹ bắt con học mà không phải đúng hứng thú của con, trẻ sẽ nhanh chóng mệt mỏi. Dần dần kết quả học tập sẽ đi xuống, rồi con lại tiếp tục chán nản… Đó là vòng tròn tâm lý của trẻ. Do đó, ba mẹ chỉ nên cho con học những gì thật cần thiết, học vừa sức con, học những gì trẻ thích và có năng khiếu chứ đừng nên bắt con học theo suy nghĩ của người lớn.